Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính đến năm 2020, mỗi năm có khoảng 20 triệu người tử vong do ung thư. Thống kê của hội ung thư Việt Nam, mỗi năm có 150.000 người mắc các chứng ung thư và 75.000 người chết vì căn bệnh này. Trong khi đó, chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư lại chưa được chú trọng, theo ghi nhận tại hội thảo “Tiến bộ mới trong chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư” do Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, hội ung thư TP.HCM tổ chức chiều 13.4 tại TP.HCM.
Cần quan tâm hơn về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Hiện nay, từ các nhân viên y tế, người thân trong gia đình và đa số các bệnh nhân ung thư chỉ chủ yếu tập trung vào các vấn đề điều trị bệnh ung thư bằng hóa trị, xạ trị,… chưa quan tâm đến chế độ chăm sóc dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cho người bệnh. Điều này làm cho tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt cơ thể bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân.
Theo PGS. TS. Isabel Correia, trưởng nhóm Liệu pháp dinh dưỡng điều trị, khoa ngoại tiêu hóa, bệnh viện trường đại học Federal de Minas Gerais, Brazil: suy kiệt là một hội chứng phức tạp bao gồm sụt cân, mất mô cơ và mỡ, chán ăn và yếu đi trong quá trình đặc trị ung thư. Phổ biến chung của sụt cân ở bệnh nhân ung thư có thể lên đến 86% trong 1-2 tuần cuối của cuộc đời. Vì vậy, điều trị mới trong dinh dưỡng ung thư là phải nhìn nhận toàn bộ các dạng suy kiệt, sau đó trì hoãn triệu chứng suy kiệt đó và nâng cao chất lượng sống là yếu tố vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân ung thư.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư trong 3 giai đoạn điều trị
GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch hội Ung thư TP.HCM đưa ra lời khuyên cụ thể về chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân bị ung thư theo ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên để bệnh nhân đủ sức điều trị, cần phải nuôi dưỡng bệnh nhân bằng thức ăn có độ đạm cao như: cá, thịt, sữa, chất bột, khoai tây, ăn cơm… Nên cân nhắc các loại chất mỡ, chất béo động vật làm tăng trọng cơ thể sẽ không tốt cho bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó, cần tập cho người bệnh ăn nhiều loại trái cây, rau tươi với nhiều màu khác nhau, mỗi ngày ăn khoảng 3-4 lần. Bệnh nhân không được hút thuốc, không uống rượu, không ăn đồ nóng, cay và mặn.
Giai đoạn trong khi điều trị: khi điều trị bằng hóa trị, xạ trị làm cho bệnh nhân giảm bạch cầu, nóng sốt, ói mửa… Vì vậy, bệnh nhân ung thư phải được uống nước nhiều, ăn đồ lỏng, ăn rau luộc, rửa tay trước khi ăn để tránh nhiễm trùng. Khi điều trị xạ trị, miệng khô, bệnh nhân phải uống nước nhiều, phải đánh răng, súc miệng thật kỹ, ăn nhiều trái cây và tránh ăn đồ chiên, xào, chua, cay. Bệnh nhân phải được cung cấp chất đạm đầy đủ để có sức chịu đựng bệnh tật, để cơ thể miễn dịch chống lại các loại bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân phải được ăn cá nhiều hơn ăn thịt, không nên ăn thịt có màu đỏ; ăn khoai tây hấp còn nguyên vỏ, tạo thêm chất xơ giúp cho cơ thể loại bỏ chất độc, giảm bệnh tim và tiểu đường.
Giai đoạn sau khi điều trị, bệnh nhân cần phải tái khám đều đặn trong bệnh viện, chế độ dinh dưỡng lúc này cần ở mức độ vừa phải, các loại chất đạm và đường không quá lố để không tăng cân, càng ít chất béo càng tốt, nên ăn rau quả tươi. Đặc biệt, việc luyện tập thể dục thể thao trong mức cho phép: đi bộ, bơi nhẹ, tập yoga… có vai trò rất lớn trong việc chống tái phát và phát triển ung thư khác, đồng thời có tác dụng giảm béo phì, ngủ ngon và bệnh nhân ăn ngon miệng hơn.
>>> Xem thêm: Bệnh ung thư nên ăn uống gì
Hoàng Nhung – SGTT