Ổn định tinh thần cho bệnh nhân ung thư
Với những người đang chống chọi lại căn bệnh ung thư, nhiều người bất lực buông xuôi nhưng số khác lại mô tả đang trải qua một cuộc đấu tranh và phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về họ.
Sự can trường ấy đã khiến tôi nghĩ “Ai bước vào ải đau khổ này cũng sẽ học cách chấp nhận, đấu tranh không ngừng để giành lấy sự sống”.
Nhưng thực tế không dễ dàng vượt qua mọi đau đớn về thể xác và tinh thần khi vật lộn với căn bệnh ung thư. Dường như việc chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng như tâm lí của họ và gia đình chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam. Trong cuốn sách hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà do Hiệp hội Bệnh nhân ung thư tại Mỹ ấn hành, các chuyên gia đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích và gợi ý giúp họ tìm đến sự bình an.
Biết chấp nhận thực tế
Hãy luôn nhớ rằng là người chăm sóc bệnh nhân, bạn phải chăm sóc chính bản thân mình trước, hãy giữ tinh thần của mình tốt thì bạn mới có thể nâng đỡ tinh thần của người bạn yêu quý.
Khủng hoảng tâm lý là điều không tránh khỏi đối với bệnh nhân ung thư, và tất nhiên nó cũng sẽ lan tỏa đến người thân hoặc những người chăm sóc họ. Hầu hết những người chăm sóc bệnh nhân ung thư đều thừa nhận rằng cảm giác tuyệt vọng, chán nản của người bệnh là thử thách lớn nhất. Khi sự buồn bã, chán nản trở nên nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân suy kiệt tinh thần, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những chuyên gia hoặc gia tăng hỗ trợ tinh thần.
Là người chăm sóc, bạn không chỉ giữ vai trò nâng đỡ tinh thần/tâm lý của bệnh nhân mà còn là người cùng vượt qua những khó khăn với họ. Nghĩa là chính bạn cũng có những vấn đề tâm lý phải đương đầu. Hãy ghi nhớ rằng:
* Không nên đổ lỗi hoặc tự trách mình khi người thân rơi vào khủng hoảng trong quá trình điều trị. Bạn phải hiểu rằng cảm giác tuyệt vọng có thể do tác dụng phụ của hóa chất trong quá trình trị liệu, do căng thẳng lo âu vì bệnh tật và sự thay đổi sinh học bên trong cơ thể cũng góp phần. Vì thế đừng cảm thấy có lỗi khi không thể kéo người thân của bạn ra khỏi sự tuyệt vọng vì căn bệnh quái ác này.
* Lên kế hoạch cho những trải nghiệm tích cực. Đừng tự trói buộc với ý nghĩ “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” để rồi bạn quanh quẩn bên người bệnh. Việc bạn hi sinh mọi thú vui và công việc để chăm sóc người thân có khi lại tạo ra áp lực cho người bệnh, vì họ nghĩ rằng mình đang tạo ra gánh nặng. Vì thế hãy vẫn duy trì các hoạt động xã hội mà bạn yêu thích, gặp gỡ bạn bè góp phần rất lớn trong việc chăm sóc người thân. Trước hết, khi chia sẻ với bạn bè, bạn không cảm thấy quá tải và gánh nặng nỗi niềm tâm sự. Bên cạnh đó, điều gì giữ cho tinh thần của bạn vui vẻ, tích cực đều tốt cho việc chăm sóc người thân của bạn.
* Hãy thừa nhận rằng người thân của bạn rơi vào trầm cảm hoặc cảm giác buồn chán, tuyệt vọng khi đối diện với thực tế về tình trạng bệnh của mình. Đừng nên né tránh điều này, vì nếu bạn không thừa nhận các khó khăn về cảm xúc của người bạn chăm sóc thì làm sao bạn có thể giúp họ vượt qua hoặc đương đầu với nó.
Vượt qua khó khăn
* Người bệnh có thể bi quan, nhìn nhận quá trình điều trị là sự thất bại, nhiệm vụ của bạn là giúp họ nhận ra những điều tích cực, những chặng đường đã qua, các tiến bộ đạt được và điều họ nên làm tiếp theo.
* Sự thu mình, cảm giác chán nản, bế tắc trong suy nghĩ của bệnh nhân là lý do bạn cần thiết lập các mục tiêu vừa phải cho việc cân bằng tâm lý, tốt nhất là thấp hơn khả năng họ một chút để họ cảm thấy tự tin vào bản thân. Ví dụ, một ngày nghe radio khoảng 30 phút, hoặc đi dạo cùng con cái khoảng 30 phút.
* Gặp gỡ những người với các quan điểm khác nhau, nhận những lời khuyên hoặc trao đổi sẽ giúp người bệnh thêm niềm vui. Rõ ràng nếu xung quanh bạn là những người vui vẻ, tích cực, tâm trí của bạn sẽ thoải mái và nhiều suy nghĩ tích cực hơn. Hãy tạo một môi trường tích cực để người thân yêu của bạn thêm nghị lực đi đến cùng của việc đấu tranh với bệnh tật.
Thạc sĩ Tâm Lí Trần Thị Ngọc Dung
Tuoitre Online