Phương pháp chế biến thức ăn cho người bệnh ung thư
Khi mắc bệnh ung thư, bệnh nhân sẽ cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng, dễ buồn nôn… khiến sức khỏe và cơ thể suy kiệt nhanh chóng. Chính vì vậy, chế biến thức ăn như thế nào để kích thích người bệnh ăn nhiều, đảm bảo dinh dưỡng là vô cùng cần thiết. Người mắc bệnh ung thư nên ăn uống gì? Dưới đây là một số phương pháp chế biến thức ăn cho bệnh nhân ung thư bạn nên biết.
Đảm bảo đủ dưỡng chất cho các bữa ăn
Dinh dưỡng là vấn đề vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư. Việc ăn uống đủ chất sẽ giúp bệnh nhân có thêm sức khỏe và sức đề kháng để chống chọi lại bệnh tật. Vì vậy, khi chuẩn bị thức ăn cho bệnh nhân ung thư cần đảm bảo đủ các nhóm chất: đạm, đường, tinh bột, chất béo, vitamin và chất xơ. Cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả nhất là các loại rau họ cải, quả mọng, đu đủ, nho… Nên chọn những thực phẩm còn tươi ngon, đảm bảo vệ sinh. Hạn chế ăn thịt, nhất là các loại thịt có màu đỏ (thịt bò, trâu, ngựa…), thịt nguội và đồ hộp.
Cũng nên tăng cường năng lượng, protein bằng cách sử dụng các loại dầu không bão hòa như dầu oliu, dầu cám gạo, dầu hạt cải và các thức ăn khác như sữa, phô mai, đậu nành, trứng…
Cách chế biến
Khi chế biến thức ăn cho bệnh nhân ung thư chỉ nên dùng các phương pháp luộc, hấp nhỏ lửa. Nên tránh các cách nướng, hun khói, rán hoặc tẩm ướp đường vào thịt khi sơ chế.
Không dùng vật dụng kim loại
Bệnh nhân ung thư thường nhạy cảm hơn đối với mùi kim loại vì chúng khiến vị giác người bệnh thay đổi. Vì vậy, người nhà nên sử dụng đồ đựng thức ăn bằng sứ, thủy tinh hoặc nhựa thay thế đồ kim loại.
Tránh đồ ăn sống
Sau quá trình hóa trị, xạ trị sức khỏe bệnh nhân suy yếu, các chức năng của hệ miễn dịch cũng giảm dần. Vì vậy, họ rất dễ mắc bệnh bởi sự xâm nhập của các vi khuẩn từ môi trường bên ngoài. Đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng vì lượng bạch cầu bị giảm đi đáng kể. Vì vậy, thức ăn cho bệnh nhân ung thư thường phải được nấu chín hoàn toàn và không nên thêm các loại rau quả trang trí như hành lá hoặc rau mùi vào món ăn.
Tăng các món ăn dễ nhai, nuốt
Với những người bị loét miệng, đau họng thì nên ăn nhiều thực phẩm dễ nhai, nuốt như bánh ngọt, kem, sữa. Ngoài ra, trong bữa chính nên cho bệnh nhân ăn các món ăn mịn như cháo, soup, mì nấu với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác (đã được băm hoặc cắt nhỏ). Nếu bệnh nhân muốn ăn các món khác thì phải ninh nhừ để dễ nuốt hơn. Lưu ý, những người bị viêm niêm mạc nên hạn chế ăn thực phẩm nhiều gia vị.
Thêm các loại gia vị và thảo mộc vào món ăn
Một số bệnh nhân sau khi hóa trị, thường có cảm giác biếng ăn, dễ buồn nôn và không thể thưởng thức hết món ăn do không cảm nhận được hương vị hoặc thấy có mùi khó chịu. Có thể cải thiện tình trạng này bằng cách thêm sả, lá chanh, lá bạc hà vào một số món ăn tanh như thịt, cá để khử mùi.
Đối với những món ăn không mùi vị, người nhà nên thêm các loại thảo mộc, gia vị để tăng hương vị các món ăn, kích thích sự thèm ăn của bệnh nhân. Các loại gia vị nên sử dụng là tỏi, tiêu, vỏ chanh, húng quế…
Tuy nhiên đối với bệnh nhân bị ung thư vòm họng thì nên hạn chế những thực phẩm có gia vị cay nóng như tiêu, ớt hoặc thực phẩm chứa acid như cam, chanh… vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc họng, khiến bệnh nhân đau đớn và khó chịu hơn.